Chi Tiết Tin Tức

Bất động sản sẽ đón tiền từ… chứng khoán?

Nếu quả thực bất động sản đã lập đáy vào đầu tháng 6/2012, liệu nó có bắt đầu đi lên như chứng khoán đã từng như vậy? Và thái độ của các nhà đầu tư chứng khoán sẽ ra sao, ứng với hiện tại và cả tương lai ngắn hạn - khi chỉ số chứng khoán chưa thể dừng đà trôi trượt?

Thanh khoản chứng khoán có trở về “thời kỳ đồ đá”?

Vào quý 1/2012, nếu khơi gợi câu chuyện bất động sản tiếp nhận được dòng tiền từ kênh chứng khoán đổ qua thì quả là hoang tưởng cực độ. Ngay cả thời điểm hai tháng 4 và 5 của quý 2 cũng không có một chút manh mối nào cho câu chuyện này. Thậm chí ngược lại, trong gần nửa đầu năm 2012, giới phân tích và giới đầu tư chỉ hầu như bàn tán đến chuyện dòng tiền từ tiết kiệm ngân hàng và cả từ địa ốc chảy vào cổ phiếu như thế nào mà thôi. Nhưng tình thế có vẻ đang đổi khác khá nhiều kể từ thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2012. Vào tuần cuối tháng 5, Ngân hàng nhà nước lại một lần nữa quyết định kéo hạ trần lãi suất huy động, khiến giới đầu tư chứng khoán lại nhấp nhổm về triển vọng thị trường cổ phiếu sẽ bật mạnh. Không phụ lòng mong đợi ấy, hai chỉ số VNI và HNX đã bất ngờ làm nên một sóng thăng hoa. Một núi tiền từ trên trời ập xuống đã nhấc bổng cả thị trường chứng khoán lên cao và làm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ lóa mắt.

Tuy nhiên, điều cay đắng của chứng khoán vào năm 2011 vẫn tái hiện. Sau hai tháng căng ngang ở vùng đỉnh, thị trường này đã lao dốc trầm trọng khiến toàn giới đầu tư cổ phiếu run sợ. Ngay cả những đợt hạ lãi suất của Ngân hàng nhà nước cũng chỉ có thể giúp cho thị trường này hồi phục được vài ba phiên, thậm chí không đủ T+4 để bán.

Vào đầu tháng 6/2012, cú “đánh xuống” lãi suất huy động đến 2% của Ngân hàng nhà nước đã lại một lần nữa khơi sáng ngọn đèn vốn leo lét trong thị trường chứng khoán. Đó cũng là bối cảnh mà thị trường bất động sản bắt đầu có những giao dịch đầu tiên, sau một thời gian dài câm lặng.

Thế nhưng như thể trêu ngươi, hai chỉ số chứng khoán vẫn miệt mài kéo ngang mà không biểu hiện bất cứ một tín hiệu nào sẽ phát triển mạnh mẽ. Thậm chí tại thời điểm ngày 8/6/2012 là lúc tin hạ lãi suất chính thức được tung ra, thị trường chứng khoán lại trở nên buồn thảm.

Cần nhắc lại rằng vào tháng 3 và 4 năm nay, giới công ty chứng khoán đã hồ hởi đến mức chính họ cũng phải ngạc nhiên về sự thay đổi của mình. Sau một thời gian dài bị hố và do đó phải cắm cúi với sự thận trọng không bao giờ thừa, một số công ty chứng khoán đã bắt đầu phát đi thông điệp về triển vọng tươi sáng của thị trường chứng khoán. Những dự báo về việc dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng vào cổ phiếu và cả sự tăng trưởng của dòng tiền margin từ vay ngân hàng cũng liên tiếp xuất hiện. Vào thời gian đó, dự báo này là không mấy sai số, bởi thanh khoản của thị trường chứng khoán đã có lúc vượt qua con số 3.000 tỷ đồng cho một phiên giao dịch.

Song vào lúc này thì tình hình lại hoàn toàn khác. Không chỉ điểm số dần tụt áp gây chán nản cho giới đầu tư, tình cảnh đáng ngán ngại nhất là hoạt động thanh khoản của thị trường đang trở về “thời kỳ đồ đá” - như cách ví von của một số nhà đầu tư. Loại trừ những giao dịch thỏa thuận bất thường của hai cổ phiếu ngân hàng STB và EIB trên sàn HOSE, con số giá trị giao dịch thật sự chỉ còn lại khoảng 700-800 tỷ đồng. Tuy thế, con số đó vẫn còn khả quan hơn hẳn nếu so sánh với sự tụt áp thanh khoản trên sàn HNX. Vào cuối tuần trước, đã có phiên sàn này không đạt nổi 400 tỷ đồng/phiên.

Những con số trên nói lên điều gì? Ít nhất, một giám đốc công ty chứng khoán cũng phải thừa nhận là với tình trạng sụt giảm quá mạnh thanh khoản như thế, đã chẳng xuất hiện hiện tượng dòng tiền chuyển từ kênh tiết kiệm chảy vào chứng khoán.

Bất động sản đã lập đáy vào đầu tháng 6/2012?

Trong không khí chứng khoán trượt dài, một thực tế không thể phủ nhận là vào thời gian từ cuối tháng 5 đến nay, đã có những giao dịch đầu tiên sưởi ấm cho thị trường bất động sản. Đáng chú ý hơn, loại giao dịch này không chỉ tập trung vào phân khúc nhà đất thổ cư, mà đang hướng về phân khúc nhà chung cư bình dân và cả đất nền giá rẻ tại một số dự án ở Quận 9, Nhà Bè tại TP.HCM. Ở đầu cầu bên kia - Hà Nội, một hiện tượng đặc biệt đã hiện ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, khi loại hình căn hộ giá 600 triệu đồng đang ít nhiều thu hút sự chú ý của dư luận và những người mua ở thực sự.

Nếu cần có cái nhìn tương quan giữa hai thị trường bất động sản và chứng khoán, các nhà đầu tư lại nên so sánh vấn đề tín dụng - chất kích thích mạnh nhất trong tình hình hiện nay - dành cho hai thị trường này. Có thể nói, sau động thái Ngân hàng BIDV mở chính sách cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán với mức lãi suất 19-20% vào cuối năm 2011 và lặp lại chính sách này vào tháng 3/2012, cho đến nay hầu như vẫn chỉ có BIDV ở vào thế “độc tôn” đối với chủ đề này, trong khi các ngân hàng khác lại hoàn toàn không đề cập đến việc cung cấp tín dụng cho chứng khoán.
 

Nếu quả thực bất động sản đã lập đáy, liệu nó có bắt đầu đi lên như chứng khoán đã từng như vậy?


Ở một thái cực ngược lại, từ đầu tháng 3/2012 đến nay và đặc biệt trong khoảng một tháng gần đây, khá nhiều ngân hàng, từ những “ông lớn” như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Eximbank… đến những ngân hàng nhỏ hơn như MHB, SeABank, An Bình và cả khối tổ chức tín dụng nước ngoài như ngân hàng HSBC, ANZ cũng đẩy mạnh cơ chế cung ứng tín dụng cho tiêu dùng và mua nhà.

Cán cân cung tín dụng đang lệch hẳn về bất động sản, trong khi chứng khoán lại hầu như không nhận được sự hứa hẹn nào. Hơn nữa, trước tình hình thị trường liên tục sụt giảm về điểm số và thanh khoản, các nhà đầu tư cá nhân càng trở nên thận trọng và ít dám vay mượn. Trận lao dốc cuồng loạn vào tháng 5/2012 đã khiến cho nhiều nhà đầu tư sử dụng margin lâm vào tâm thế hoảng loạn, nhiều tài khoản cá nhân đã bị “cháy”. Không những tiền vào chứng khoán bị giảm sút trầm trọng, lại đang tái hiện hiện tượng đóng băng tài khoản - một hiện tượng đã từng tồn tại khá phổ biến vào nửa cuối năm 2011, khi thị trường chứng khoán trượt dốc không tia hy vọng.

Cùng lúc, đã râm ran theo cách nửa đùa nửa thật trong giới đầu tư chứng khoán về việc sẽ san sẻ bớt tiền trong tài khoản cho nhà đất, nếu phát hiện thị trường bất động sản có xác suất cơ hội cao hơn chứng khoán. Cũng bởi thế, số phận của dòng tiền đang chết cứng trong tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán sẽ được quyết định bởi những tín hiệu bất ngờ nào đó từ phía thị trường bất động sản trong thời gian tới. Cũng cần lưu ý thêm, nếu vào đầu năm nay, thị trường chứng khoán đã lập đáy từ những tín hiệu chính sách của Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước, thì vào đầu tháng 6/2012, lần đầu tiên bộ trưởng ngành xây dựng đã mạnh miệng khẳng định việc thị trường bất động sản đã lập đáy.

Nếu quả thực bất động sản đã lập đáy, liệu nó có bắt đầu đi lên như chứng khoán đã từng như vậy? Và thái độ của các nhà đầu tư chứng khoán sẽ ra sao, ứng với hiện tại và cả tương lai ngắn hạn - khi chỉ số chứng khoán chưa thể dừng đà trôi trượt

hỗ trợ trực tuyến
Nhà Bán Gấp