Chi Tiết Tin Tức

TP Hồ Chí Minh: Vì sao việc cấp GCN QSDĐ cho nhân dân chậm?

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (GCNQSDNĐ) phát sinh nhiều vướng mắc, chậm trễ.

Tỷ lệ cấp GCNQSDNĐ ở mức thấp. Vì sao chậm trễ và các biện pháp, giải pháp nào để đẩy nhanh việc cấp GCNQSDNĐ, đảm bảo quyền lợi của người dân?

Trên 50% đất ở chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tại khu dân cư Kim Sơn, phường 13, quận Bình Thạnh, chúng tôi được nhiều người dân ở đây bức xúc cho biết, các hộ dân nhận nền nhà tái định cư từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được GCNQSDNĐ. Trả lời câu hỏi vì sao GCNQSDNĐ vẫn chưa giao cho người dân, đại diện Công ty Kim Sơn, chủ dự án nêu trên cho rằng, lý do chậm trễ là vì dự án đang điều chỉnh quy hoạch 1/500 nên công ty chưa thể làm thủ tục cấp GCNQSDNĐ cho khách hàng. Trong quá trình triển khai dự án, công ty đã có một số thay đổi về quy hoạch, kiến trúc, vị trí của một số phân khu nên phải xin phép cơ quan chức năng quận Bình Thạnh điều chỉnh quy hoạch, sau khi điều chỉnh được chấp nhận mới có cơ sở làm GCNQSDNĐ cho các hộ dân.
 

Người dân làm thủ tục đăng ký, cấp GCNQSDNĐ UBND quận 9 (TP Hồ Chí Minh)

Tương tự, tại Dự án khu nhà ở ven sông Sài Gòn, khu phố 5, phường 25, quận Bình Thạnh, hàng trăm hộ dân ở đây rơi vào cảnh mòn mỏi chờ GCNQSDĐ từ 10 năm nay. Năm 2000, các hộ dân ký hợp đồng góp vốn xây dựng nhà với Công ty Phát triển nhà quận Bình Thạnh. Sau khi được giao đất, các hộ dân đã xây dựng nhà theo mẫu quy định, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.

Thực trạng trên đang rất phổ biến tại TP Hồ Chí Minh. Thành phố hiện có khoảng 200 dự án nhà ở theo dạng phân lô bán nền với tổng số khoảng 35.000 nền nhà. Hầu hết những dự án tập trung ở các quận 2, 7, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp…, được các cơ quan chức năng phê duyệt cách đây khoảng 10 năm. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có chưa đến 50% số nền được cấp GCNQSDĐ do có nhiều nguyên nhân về điều chỉnh quy hoạch… Đối với các dự án xây dựng chung cư, tỷ lệ căn hộ được cấp GCNQSDĐ còn thấp hơn, chưa đến 40%.

Giữa tháng 6-2012, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã báo cáo, hiện nay thành phố còn khoảng 311.000 nhà, đất chưa có GCNQSDNĐ. Những trường hợp nhà, đất chưa có GCNQSDNĐ chủ yếu có hồ sơ pháp lý phức tạp. Nhiều trường hợp mua nhà bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 hoặc xây dựng không phép sau ngày 1-7-2006 thì không đủ điều kiện cấp giấy.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các dự án nhà, đất bị chậm trễ trong việc cấp GCNQSDNĐ cho các hộ dân chủ yếu là do chủ đầu tư có nhiều sai phạm về quy hoạch. Một đồng chí lãnh đạo một huyện ngoại thành cho biết, sai phạm trong thực hiện quy hoạch ở các dự án phân lô bán nền rất phổ biến. Có dự án sau khi được phê duyệt nhưng chủ đầu tư vì lợi nhuận đã sử dụng đất công viên, bệnh viện… để phân lô bán nền. Vì vậy, chính quyền quận không thể cấp GCNQSDNĐ, phải xin chủ trương, chỉ đạo của cơ quan chuyên ngành cấp thành phố.

Thực tế trên dẫn đến tình trạng người dân dù xây nhà, nhận nhà đã nhiều năm nhưng vẫn bị treo quyền lợi, mỏi mòn chờ GCNQSDNĐ. Ở các khu vực vùng ven thuộc quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, tình trạng xây nhà trái phép diễn ra phổ biến, xây dựng không đúng qui hoạch, vướng thủ tục hoặc qui hoạch… dẫn đến công tác cấp GCNQSDNĐ ở khu vực này luôn có nhiều khó khăn, kéo dài do phải bổ sung thủ tục.

Tập trung tháo gỡ, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân

Để giải quyết tình trạng tồn đọng, chậm trễ trong cấp GCNQSDNĐ, trong 2 năm gần đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành qui chế “một cửa” trong phối hợp liên ngành để giải quyết hồ sơ cấp GCNQSDNĐ. Hồ sơ cấp GCNQSDNĐ cho các dự án được tiếp nhận, hoàn trả tại một nơi là Sở Tài nguyên-Môi trường. Theo ông Lâm Thành Nam, Phó văn phòng đăng ký GCNQSDNĐ (Sở Tài nguyên và Môi trường), Hiện nay hồ sơ làm GCNQSDNĐ nhiều, nguồn gốc nhà, đất lại khá phức tạp, việc xử lý phải qua nhiều khâu, nhiều đơn vị nên không thể bảo đảm trả kết quả đúng hẹn hoàn toàn cho dân. Ngoài ra, một số trường hợp hồ sơ giải quyết chậm là do cán bộ mới, yếu nghiệp vụ.



Nhiều hộ dân ở khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, quận 9 đã xây nhà từ năm 2007 đến nay vẫn chưa có GCNQSDNĐ.


Một cán bộ phòng địa chính huyện Bình Chánh cho biết, việc quản lý đất đai ở Bình Chánh còn nhiều vướng mắc do có những quy định không phù hợp với thực tế. Ngay cả việc hướng dẫn tách thửa theo quyết định 19 của UBND TP Hồ Chí Minh khi triển khai cũng bị tắc, vì, tại điều 3 của quyết định 19 quy định: “sau khi tách thửa, phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu”. Quy định như vậy, nhưng quyết định 19 lại không cho biết phần đất mà dân bỏ ra làm cơ sở hạ tầng và sử dụng chung, chủ sử dụng có được Nhà nước hoàn trả tiền sử dụng đất hay không?

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu trong năm 2012 phải cấp xong GCNQSDNĐ cho những trường hợp người dân có nhu cầu và nhà, đất đủ điều kiện cấp giấy. Còn những trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện cấp giấy, các dự án có sai phạm lớn thì để giải quyết sau. Đối với nhà, đất trong dự án chưa có GCNQSDNĐ, Sở sẽ yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở cam kết phải làm thủ tục cấp chủ quyền nhà, đất cho dân. Nếu chủ đầu tư nào không hợp tác thì sở sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng không cấp phép đầu tư, không giao đất, cho thuê đất để làm dự án mới trên địa bàn thành phố cho đến khi nào hoàn thành thủ tục cấp GCNQSDNĐ cho dân trong các dự án hiện hữu.

Từ nay đến cuối năm 2012, các quận, huyện sẽ cấp khoảng 186.000 GCNQSDNĐ. Khoảng 125.000 nhà, đất còn lại rơi vào các trường hợp người dân chưa có nhu cầu cấp giấy, hồ sơ nhà đất có phức tạp; nhà, đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền.

Tìm hiểu tại quận Bình Tân, chúng tôi thấy quy trình đăng ký, cấp GCNQSDNĐ rất khoa học, rút ngắn thời gian. Cách đây hai năm, địa bàn này là nơi có số lượng chưa cấp GCNQSDNĐ lên đến gần 100.000 trường hợp. Nhưng đến nay con số này chỉ còn 35.000 trường hợp. Để tạo sự chuyển biến này, quận Bình Tân đã áp dụng mô hình một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin tại 10 phường trong quận. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận phân công cán bộ trực tại các UBND phường để kịp thời hướng dẫn, yêu cầu bổ sung thủ tục cho người dân có nhu cầu cấp GCNQSDNĐ. Nhờ ứng dụng mô hình một cửa liên thông, phân công trách nhiệm cụ thể đã giúp rút ngắn thời gian cấp gian cấp GCNQSDNĐ từ 55 ngày theo quy định xuống còn 35 ngày.

Để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chấn chỉnh việc cấp GCNQSDNĐ. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát tất cả dự án nhà ở trên địa bàn. Đối với những chủ đầu tư dự án nhà ở chậm trễ, không làm thủ tục cấp giấy GCNQSDNĐ cho dân, cần làm rõ nguyên nhân và có hình thức xử lý nghiêm khắc. Những dự án còn vướng mắc, cơ quan chức năng phải tìm cách tháo gỡ, giải quyết triệt để tồn tại để cấp giấy chủ quyền cho dân. Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao các cơ quan chức năng xem xét và đề xuất việc cấp GCNQSDNĐ cho các trường hợp nhà, đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch nhưng chưa đầy đủ thủ tục pháp lý về nhà, đất. Trường hợp người dân lấn chiếm đất công không có tranh chấp, khiếu nại và phần đất công đó Nhà nước không sử dụng được vào mục đích khác thì người dân sẽ được xem xét để công nhận quyền sử dụng đất và phải đóng tiền cho Nhà nước. Với những giải pháp trên, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ, nhân dân đồng tình... việc giải quyết cấp GCNQSDNĐ cho nhân dân mới có thể đạt được yêu cầu đặt ra.

hỗ trợ trực tuyến
Nhà Bán Gấp